• 15 January, 2025

Hàng triệu người đang là cán bộ, công chức, viên chức chuẩn bị đón tin vui

HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.

Báo Sức khoẻ Đời sống ngày 14/12 đưa thông tin với tiêu đề: “Hàng triệu người đang là cán bộ, công chức, viên chức chuẩn bị đón tin vui” cùng nội dung như sau:

Với đại đa số đại biểu biểu quyết tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý.

Theo đó, đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý; người đã được bổ nhiệm, tuyển dụng là cán bộ lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức đang làm việc tại các Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý và các Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

 

Hà Nội thông qua Nghị quyết quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. (Ảnh: TL)

Mức chi thu nhập tăng thêm căn cứ năng lực, hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức

Về nguyên tắc thực hiện, mức chi thu nhập tăng thêm căn cứ năng lực, hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị do thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá theo quy định.

Việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm phải bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch.

Nguồn kinh phí chi thu nhập tăng thêm được sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách các cấp sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội do Trung ương ban hành.

Nguồn kinh phí chi thu nhập tăng thêm của cơ quan, đơn vị bằng quỹ lương cơ bản (gồm lương theo ngạch bậc, chức vụ) nhân với mức trích do HĐND thành phố quyết định.

Năm 2025, mức trích để tạo nguồn kinh phí thực hiện chi thu nhập tăng thêm bằng 0,8 lần quỹ lương cơ bản.

Từ thời điểm bắt đầu thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn tiếp theo, căn cứ nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội do Trung ương ban hành, UBND thành phố sẽ báo cáo, đề xuất HĐND xem xét, quyết định mức trích để tạo nguồn kinh phí thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cả giai đoạn và từng năm nhưng không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản.

Trước đó, báo Người Quan Sát ngày 15/12 cũng có bài đăng với thông tin: Chính sách nào cho công chức, viên chức nghỉ việc do tinh giản biên chế?. Nội dung được báo đưa như sau:

Thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương, Bộ Tư pháp đã công bố dự thảo về việc giải quyết chế độ cho những người không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm chức vụ, chức danh được về nghỉ hưu trước tuổi khi có thời gian tham gia BHXH từ 15 năm trở lên.

Tuy nhiên, khi thực hiện tinh giản biên chế, bên cạnh những người đang nắm giữ chức vụ thì có không ít người lao động là công chức, viên chức tuổi đời còn trẻ sẽ rơi vào tình trạng mất việc.

Vậy đối với công chức, viên chức nghỉ việc do tinh giản biên chế chưa đủ tuổi hưu sẽ được giải quyết chế độ như thế nào?

Căn cứ theo Khoản 1 và Khoản 3 Điều 7 Nghị định 29/2023 của Chính phủ quy định về chính sách thôi việc. Cụ thể:

Đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu (quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP) và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định nếu thôi việc ngay thì được hưởng các khoản trợ cấp sau:

Được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; trợ cấp 1,5 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tinh gọn bộ máy sẽ có nhiều công chức, viên chức phải nghỉ việc. Ảnh minh hoạ: Chí Hiếu

Đối tượng tinh giản biên chế tuổi đời dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật nhưng đang đảm nhận các công việc không phù hợp về trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo, có nguyện vọng thôi việc thì được cơ quan, tổ chức, đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc, tự tìm việc làm mới, được hưởng các chế độ sau:

Được hưởng nguyên tiền lương hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (nếu thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp) trong thời gian đi học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 6 tháng;

Được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 6 tháng mức lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề;

Sau khi kết thúc học nghề được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm;

Được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội;

Trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục nhưng không được tính thâm niên công tác để nâng bậc lương thường xuyên hàng năm.

Các đối tượng thôi việc được bảo lưu thời gian đóng BHXH và cấp số BHXH hoặc nhận trợ cấp BHXH một lần theo quy định của Luật BHXH; không được hưởng chính sách thôi việc đối với công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.

Người tinh giản biên chế hưởng chính sách thôi việc sau khi học nghề sẽ được bảo lưu thời gian đóng và cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc được cho nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, tuy nhiên sẽ không được hưởng các chính sách thôi việc đối với công chức, viên chức.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thêm

Trao đổi với VietNamNet, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, khi tiến hành tinh gọn bộ máy cán bộ công chức, viên chức dôi dư thì nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động có thể thích ứng trong điều kiện mất việc làm, tìm việc làm mới.

“Ngoài các chính sách chung của BHXH thì Nhà nước cần bố trí thêm nguồn ngân sách để hỗ trợ cho người lao động “xoay xở” thích ứng tìm việc làm. Công chức, viên chức còn trẻ khi nghỉ việc nhà nước bắt buộc phải bắt đầu lại cuộc sống lăn lộn bên ngoài. Thế nhưng, để thích ứng với môi trường mới Nhà nước cần có chính sách riêng hỗ trợ, thậm chí hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để ổn định cuộc sống”, ông Huân nói.

Ông Huân cũng nói thêm, cải cách hành chính là cuộc cách mạng và cách mạng nào thì cũng có những mất mát. Tuy nhiên đối với các đơn vị có thể tự hạch toán (không dùng tiền ngân sách) thì nhà nước cần đánh giá tác động và có lộ trình phù hợp để không ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm, hàng ngàn người lao động.

Trước đó, tại phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (10/12), khi đề cập đến nội dung về tinh gọn tổ chức bộ máy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị thanh cho biết, việc xây dựng các đề án cần phải coi trọng cơ chế, chính sách hợp lý, thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nằm trong diện sắp xếp, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

“Việc sắp xếp ngoài mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy thì những người trong diện sắp xếp cũng là người dân, cũng là cán bộ; việc quan tâm đến đời sống của họ cũng là mục tiêu phấn đấu cho đất nước phát triển, người dân là người được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới”, bà Thanh nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị báo cáo dân nguyện cần bổ sung nội dung về cơ chế chính sách hợp lý, thậm chí là phải có cơ chế thật mạnh và vượt trội so với trước đây để khuyến khích những người còn 2 – 4 năm làm việc có thể sẵn sàng nghỉ cho cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản giữ lại trong hệ thống.

“Trước đây chúng ta đã nói xu hướng là chuyển từ khu vực công sang tư rất nhiều. Về tổng thể việc này không vấn đề gì. Nhưng nếu không có chính sách tốt, tôi e là người tốt lại ra khỏi khu vực công, còn người không tốt, trung bình thì ở lại”, bà Thanh cho biết.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *