Rộ thông tin: 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa sẽ bị sáp nhập ngay trong năm nay, thực hư ra sao?
admin
- 0
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh khẳng định các thông tin, hình ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội về sáp nhập tỉnh, thành ở Việt Nam là ‘không đúng’.
Ông Vũ Đăng Minh – Ảnh: DANH KHANG
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online vào chiều 27-11, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh khẳng định các thông tin, hình ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội về sắp xếp, sáp nhập tỉnh, thành ở Việt Nam là thông tin không đúng.
Sẽ xử lý việc đưa tin không đúng
Ông Minh cho biết hiện Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng đang triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đúng như chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư.
Thông báo về kết luận của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua cũng xác định “đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Đồng thời, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị”.
Ông Minh nêu rõ những thông tin về sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đang được thực hiện theo chế độ mật, nên nếu đưa lên mạng là sai quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và ai vi phạm sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan nội dung này, người phát ngôn Bộ Nội vụ đã có trao đổi với phía Bộ Công an đề nghị cơ quan an ninh mạng xem xét, xử lý việc đưa các thông tin không đúng, gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội.
51 tỉnh, thành phố tiến hành sáp nhập huyện, xã
Trước đó, Bộ Nội vụ đã báo cáo tổng kết thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương gửi tới Bộ Tư pháp.
Theo đó, tính đến ngày 30-6, cả nước có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh (58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương).
705 đơn vị hành chính cấp huyện (523 huyện, 46 quận, 51 thị xã, 84 thành phố thuộc tỉnh và một thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương); 10.595 đơn vị hành chính cấp xã (8.192 xã, 1.784 phường, 619 thị trấn).
Trong đó, Bộ Nội vụ đề xuất rà soát, bổ sung các quy định của luật để đẩy mạnh việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2030 và nghiên cứu để thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Còn theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đến thời điểm hiện tại đã có 50/51 tỉnh, thành phố có đơn vị cấp huyện, xã thuộc diện phải sáp nhập được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các đề án sáp nhập.
Còn một địa phương là tỉnh Ninh Bình, hiện Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về đề án sáp nhập cấp huyện, xã của địa phương này và sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian tới.
Trong số 51 tỉnh, thành phố này sẽ sắp xếp 38 đơn vị cấp huyện để giảm 9 đơn vị và sắp xếp 1.176 đơn vị cấp xã, giảm 562 đơn vị cấp xã. Chưa kể qua sắp xếp còn thành lập các đơn vị hành chính đô thị.
Thời gian gần đây, trên MXH Tiktok xuất hiện nhiều thông tin 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá sẽ sáp nhập lại thành một. Đây chỉ là những tin đồn vô căn cứ khiến nhiều người hoang mang. Vi vậy khi đọc tin người dân cần thực sự tỉnh táo, tránh bị dẫn dắt bởi những thông tin không chính thống.
Về việc sáp nhập trong thời gian tới của riêng tỉnh Ninh Bình như sau:
Hoàn thành việc sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025, tỉnh Ninh Bình giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện.
Sau khi hoàn thành việc sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 tỉnh Ninh Bình còn 7 đơn vị hành chính cấp huyện. Ảnh: Nguyễn Trường
Tỉnh Ninh Bình hiện có diện tích tự nhiên là 1.411,86km², quy mô dân số là 1.126.443 người. Sau khi hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 diện tích tự nhiên và quy mô dân số không thay đổi.
Tỉnh Ninh Bình giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện (còn 7 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, trong đó có 2 thành phố là thành phố Hoa Lư và thành phố Tam Điệp; 5 huyện là huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan, huyện Yên Mô, huyện Yên Khánh và huyện Kim Sơn).
Có 125 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn (gồm 98 xã, 21 phường và 6 thị trấn (giảm 21 xã, giảm 1 thị trấn, tăng 4 phường).
Thành phố Hoa Lư (được hình thành trên cơ sở sáp nhập thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư) có diện tích tự nhiên là 150,24km², quy mô dân số là 238.209 người; có 20 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 15 phường, 5 xã).
Thành phố Tam Điệp có diện tích tự nhiên là 105,01km²; quy mô dân số là 75.313 người; có 9 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 6 phường, 3 xã).
Huyện Gia Viễn có diện tích tự nhiên là 177,31km²; quy mô dân số là 141.406 người; có 18 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 17 xã, 1 thị trấn).
Huyện Nho Quan có diện tích tự nhiên là 450,83km²; quy mô dân số là 177.331 người; có 23 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 22 xã, 1 thị trấn).
Huyện Yên Mô có diện tích tự nhiên là 146,1km²; quy mô dân số là 136.306 người; có 14 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 13 xã, 1 thị trấn).
Huyện Yên Khánh có diện tích tự nhiên là 142,6km²; quy mô dân số là 163.582 người; có 18 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 17 xã, 1 thị trấn).
Huyện Kim Sơn có diện tích tự nhiên là 168,97km²; quy mô dân số là 194.296 người; có 23 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 21 xã, 2 thị trấn). Riêng phần đất bãi bồi ven biển là 70,81km², hiện tại UBND tỉnh Ninh Bình đang giao cho UBND huyện Kim Sơn quản lý.
Tỉnh Ninh Bình cũng đang triển khai đề án đến năm 2030, cơ bản đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đô thị Di sản thiên niên kỷ.